Ngày 23/5, ông Phan Thanh Vân (Chủ tịch UBND xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết, địa phương vừa ghi nhận sự xuất hiện của dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, vào chiều 21/5, UBND xã nhận được tin từ 2 hộ dân thôn Bàu Bính thông báo 5 con lợn đột nhiên lăn đùng ra chết. Nghi ngờ lợn bị dịch tả lợn châu Phi, xã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Kết quả, số lợn trên bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi.
Như vậy, chỉ chưa đầy 10 ngày, dịch tả lợn châu Phi đã “càn quét” qua 4 xã của 2 huyện Duy Xuyên và Thăng Bình.
Trước đó, ngày 14/5, đàn lợn 4 con của hộ ông Bùi Văn Á (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) có dấu hiệu lâm sàng mắc dịch tả lợn châu Phi. Ngay lập tức, chính quyền báo cáo sự việc với Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Nam và nhanh chóng gửi mẫu ra Chi cục Thú y vùng IV (đóng tại Đà Nẵng).
Kết quả cho thấy, đàn lợn của ông Á dương tính với virus tả lợn châu Phi.
Mở rộng kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm 16 con lợn của 5 hộ dân khác ở 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa cũng bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi.
Tổng cộng, 20 con lợn của 6 hộ dân được tiêu hủy nhằm ngăn ngừa dịch lây lan trên diện rộng.
Ngay khi dịch bùng phát, lãnh đạo huyện Duy Xuyên chỉ đạo thành lập 4 tổ chốt chặn ở 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa nhằm kiểm tra tình hình dịch bệnh, đồng thời phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại các hộ chăn nuôi.
Ngày 19/5, 13 con lợn của gia đình ông Phan Tám (thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn và máu chảy ra ở vùng mũi, miệng, hậu môn. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy, hàng chục con lợn của ông Tám đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Đến ngày 20/5, con lợn nái của gia đình ông Huỳnh Tấn Sỹ (thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành) cũng có biểu hiện tương tự với đàn lợn của ông Tám. Kết quả, con lợn của nhà ông Sỹ cũng bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Bình luận